Quốc hội Triều Tiên cuối tháng 9 đưa trạng thái quốc gia hạt nhân và chính sách về lực lượng hạt nhân vào hiến pháp,ênlửaTriềuTiêndùngđểrănđeMỹxsmn thứ 5 sau khi Chủ tịch Kim Jong-un kêu gọi tăng tốc độ hiện đại hóa vũ khí hạt nhân để duy trì lợi thế răn đe chiến lược, đồng thời chỉ trích quan hệ đồng minh ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là "phiên bản châu Á của NATO".
Triều Tiên hiện sở hữu kho vũ khí đa dạng, trong đó có nhiều mẫu tên lửa đạn đạo và hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đủ sức răn đe Mỹ và đồng minh, phục vụ những mục tiêu do nước này đặt ra.
Tên lửa hành trình chiến lược
Triều Tiên thử nghiệm tên lửa hành trình chiến lược lần đầu vào tháng 9/2021. Đây là mẫu tên lửa hành trình đầu tiên của Bình Nhưỡng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng tên lửa hành trình bay chậm và có uy lực kém hơn tên lửa đạn đạo, khiến chúng dễ bị đánh chặn hơn, nhưng khả năng bay thấp khiến loại vũ khí này dễ ẩn mình trước radar phòng không và có độ chính xác cao hơn.
Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo, nhưng không nhắm vào tên lửa hành trình tầm xa. Lần gần đây nhất Triều Tiên phóng loại tên lửa này là sáng 2/9, trong đợt diễn tập bắn đạn thật mô phỏng đòn tấn công hạt nhân của Đơn vị Vận hành Tên lửa hành trình Chiến lược thuộc Quân khu miền Tây.
Trong cuộc thử nghiệm, hai quả đạn phóng về hướng vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên và bay theo quỹ đạo hình số 8, hoàn tất hành trình dài 1.500 km trong lần lượt 7.672 và 7.681 giây. Các quả đạn sau đó kích nổ ở độ cao 150 m bên trên một hòn đảo hoang, mô phỏng đòn đánh hạt nhân chính xác vào mục tiêu đối phương.
Tên lửa đạn đạo tầm xa (IRBM)
IRBM là những mẫu tên lửa đạn đạo có tầm bắn 3.000-5.500 km. Loại IRBM chủ lực của Triều Tiên hiện nay là dòng Hwasong-12, được phát triển nhằm thay thế cho tên lửa đạn đạo Musudan ra đời từ lâu nhưng thể hiện độ tin cậy quá thấp.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ ước tính Hwasong-12 có thể bay xa 4.500 km nếu mang đầu đạn nặng 500 kg, con số này là 3.700 km với đầu đạn nặng 650 kg hoặc gần 6.000 km với đầu đạn cỡ nhỏ.
Triều Tiên đã 8 lần phóng tên lửa Hwasong-12, gồm 6 vụ trong năm 2017 và hai vụ hồi năm ngoái. Sau ba vụ đầu tiên thất bại, các tên lửa khác đều được thử nghiệm thành công, trong đó 4 quả bay qua lãnh thổ Nhật Bản.
Trong vụ thử ngày 4/10/2022, tên lửa Hwasong-12 được phóng theo phương gần như thẳng đứng, đạt độ cao 970 km và bay xa 4.600 km, trước khi rơi xuống vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định nếu được phóng theo góc tiêu chuẩn, tên lửa Hwasong-12 có thể dễ dàng vươn tới đảo Guam và quần đảo Aleutian, nơi đặt những căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada cho hay đây là tên lửa "đạt tầm bay xa chưa từng thấy" trong các vụ thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên từ trước đến nay.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)
ICBM là cụm từ chỉ các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn trên 5.500 km, được thiết kế để tấn công hạt nhân vào sâu trong lãnh thổ đối phương, nhưng cũng có thể mang đầu đạn thông thường, hóa học và sinh học. Quỹ đạo bay của ICBM thường có dạng parabol, trong đó tên lửa có thể đạt độ cao 1.200 km và tầm xa hàng nghìn km với góc bắn tối ưu.
Triều Tiên lần đầu tuyên bố thử thành công ICBM vào ngày 4/7/2017 với mẫu Hwasong-14 đạt tầm bắn ước tính 10.000 km, đủ sức vươn tới bang Alaska của Mỹ. Lãnh đạo Kim Jong-un khi đó mô tả đây là "món quà dành cho người Mỹ vào ngày quốc khánh".
Bình Nhưỡng sau đó phát triển mẫu Hwasong-15 và Hwasong-17 với tầm bắn khoảng 15.000 km, đủ sức bao trùm toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Giới chuyên gia phương Tây nhận định Hwasong-17 mang được nhiều đầu đạn hồi quyển tấn công độc lập (MIRV) và mồi bẫy, đủ khả năng gây quá tải và xuyên thủng Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD) đang bảo vệ nước Mỹ.
Triều Tiên cũng hai lần phóng thử thành công ICBM dùng nhiên liệu rắn Hwasong-18 trong năm nay. Phát triển ICBM nhiên liệu rắn từ lâu đã là một trong những mục tiêu then chốt của Bình Nhưỡng, nhằm tăng khả năng sống sót của lực lượng tên lửa chiến lược khi nổ ra xung đột.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM)
SLBM có độ chính xác và uy lực thua kém ICBM, nhưng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo có thể ẩn mình dưới lòng biển trong thời gian dài để tung đòn đáp trả trong trường hợp Triều Tiên bị tấn công phủ đầu. Các dòng SLBM dùng đầu đạn thông thường cũng có thể được triển khai để diệt mục tiêu chiến thuật có giá trị cao và trong hầm ngầm kiên cố.
Bình Nhưỡng đã nhiều lần thử nghiệm SLBM Pukguksong-3 với tầm bắn ước tính 1.700-2.500 km, đồng thời ra mắt phiên bản Pukguksong-4A với kích thước lớn hơn trong lễ duyệt binh ngày 10/10/2020.
Truyền thông Triều Tiên hôm 6/9 công bố hình ảnh lễ hạ thủy tàu ngầm "Anh hùng Kim Kun-ok" số hiệu 841, được trang bị 10 ống phóng có thể mang nhiều loại SLBM khác nhau.
Tên lửa siêu vượt âm
Bình Nhưỡng đang theo đuổi nỗ lực phát triển tên lửa siêu vượt âm, vũ khí có tốc độ khoảng 6.000-12.000 km/h. Tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến vũ khí siêu vượt âm rất khó bám bắt và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống, đặt ra thách thức lớn với mọi lưới phòng không hiện đại.
Triều Tiên đã ba lần thử tên lửa siêu vượt âm Hwasong-8, một lần vào tháng 9/2021 và hai lần trong năm 2022. Nước này phát triển hai biến thể đầu đạn siêu vượt âm với hình dáng khác nhau, trong đó một mẫu có nhiều nét tương đồng với dòng Avangard của Nga và DF-17 Trung Quốc.
Đầu đạn hạt nhân
Triều Tiên từ năm 2006 đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân, trong đó vụ thử mạnh nhất được tiến hành vào tháng 9/2017. Giới chuyên gia ước tính đầu đạn này có sức mạnh tương đương 100.000-370.000 tấn thuốc nổ TNT, vượt xa mức 15.000 tấn thuốc nổ của quả bom hạt nhân Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima trong Thế chiến II.
Triều Tiên năm ngoái tuyên bố là cường quốc hạt nhân "không thể đảo ngược" và ông Kim Jong-un gần đây kêu gọi tăng sản xuất vũ khí "theo cấp số nhân", trong đó có vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc ước tính Bình Nhưỡng đang sở hữu khoảng 80-90 đầu đạn hạt nhân, đồng thời nỗ lực thu nhỏ đầu đạn để trang bị cho nhiều loại tên lửa trong biên chế.
Vũ Anh (Theo AFP, KCNA)