Khoảng trời xanh lấp lánh qua những tán cây mà tôi cứ tưởng mình đang ở khu rừng xa lạ nào,òngtayTaoĐàfederico valverde trông thật lung linh. Chợt nghe tiếng sáo văng vẳng từ nơi xa xăm, làm tôi dáo dác tìm. Thì ra có cậu sinh viên nhạc viện đang luyện tập ở phía bên kia gần đường Nguyễn Du, nơi có những tài xế xe ôm công nghệ ngả người tạm phút giây, những cụ già đang tập dân vũ, nhóm học sinh trong giờ thể dục, người vé số tạm nghỉ đôi chân mỏi... Vòng tay Tao Đàn (TP.HCM) vẫn luôn dang rộng ôm lấy mọi con người. Thiên nhiên, dù là nơi hoang dã hay chốn công viên, vẫn cứ xanh tươi, rộng mở, che chở và bao dung đến không ngờ.
Nghĩ cũng lạ. Khi tôi chân ướt chân ráo vào Sài Gòn học nhạc, thì Tao Đàn như đã thân quen rồi. Vì công viên này nằm sát bên Nhạc viện TP.HCM. Nếu tản bộ bên trong Tao Đàn ở góc gần đường Nguyễn Du, ta sẽ nghe thấy tiếng đàn piano thật ngây ngô, những tiếng kèn trompet, trombone còn thô vang vọng ra từ những ô cửa sổ của nhạc viện.
Và kỳ lạ thay, những chòm cây gần cái góc ấy của Tao Đàn bao giờ cũng xanh tốt và trông "có hồn" hơn. Có thể nào nhờ thứ âm nhạc hồn nhiên của tụi nhỏ luyên tập vọng ra mà đám cây cối trông "bắt mắt" hơn không? Có thể lắm! Những nghiên cứu khoa học đã từng chứng minh âm nhạc không chỉ ảnh hưởng đến con người, động vật mà còn cả thực vật nữa. Và cái góc ấy trong công viên, đã qua hàng mấy mươi năm, những tiếng nhạc của tụi nhỏ nhạc viện cứ vọng ra (có thể có tôi và bạn trong đó), đám cây cối vẫn “nghe” đều và ngày càng xanh tốt.
Cứ tưởng rằng sau khi rời xa nhạc viện để dấn thân vào chốn giang hồ, tôi sẽ không còn cơ hội lang thang ngắm nhìn cây cối, ngồi tựa lưng dưới những gốc cây dầu trăm tuổi của Tao Đàn mà mơ mộng nữa... Vậy mà vòng đời lặp lại một vòng tua mới của bánh xe số phận: tụi nhỏ nhà tôi lại bước vào ngôi trường "Hogwarts" này, nơi chúng có thể tìm thấy thầy Dumbledore, giáo sư Snape hà khắc khó tính cùng bộ ba Harry Potter - Ronald Weasley - Hermione Granger không khác gì thế giới phù thủy của Joanne Rowling.
Suy cho cùng, những ai đã trót mang cái nghiệp âm nhạc vào thân thì cũng giống như đã bước chân vào thế giới “phù thủy”. Cũng từ cây đũa phép âm nhạc, bạn phải chọn lựa bạn là ai, trong các nhà: Godric Gryffindor, Salazar Slytherin, Rowena Ravenclaw và Helga Hufflepuff. Nhưng có khi, ta sẽ lỡ chọn nhầm nhà Slytherin, nơi xuất thân của chúa tể Hắc Ám mà không có đường quay lại…
Nếu Hogwarts có khu rừng đen âm u bí ẩn và đầy mối đe dọa của các thế lực hắc ám, thì Nhạc viện TP.HCM có Tao Đàn ngay sát bên. Chỉ khác là Tao Đàn quanh năm cây xanh bóng mát, nơi mà tụi nhỏ học nhạc có thể ra ngồi tập đàn thổi sáo. Những âm thanh tuy còn ngô nghê, nhưng lại giúp cho bác xe ôm, người phu quét rác, những cụ ông cụ bà ngồi đong đưa thả hồn trong những buổi chiều nóng bức mà quên đi bao nỗi ưu phiền đời người. Tao Đàn không có "thế lực hắc ám", chỉ có tình người cùng vòng tay êm ái bao dung của thiên nhiên.
Có lần, tôi tò mò khi thấy một người đàn ông với hình dáng khắc khổ chiều nào cũng ra dạy thái cực quyền. Điều kỳ lạ là học viên thường chỉ một người. Đôi khi không có ai, bác ấy vẫn tập một mình, xong rồi về, cứ như một phận sự phải làm hằng ngày. Tôi lân la tìm hiểu thì được biết một câu chuyện có thật từ cuộc đời của chính người đàn ông này: Trong một tai nạn giao thông, bác ấy rơi vào thập tử nhất sinh. Bác không thể nghĩ mình may mắn còn sống đến hôm nay, vì khi được đưa vào bệnh viện, nội tạng của bác lòi ra cả bên ngoài. Nhưng kỳ lạ là sau khi chết đi sống lại, trong bác tự nhiên khởi lên một ước nguyện: cứ mỗi chiều lại ra Tao Đàn để dạy thái cực quyền miễn phí cho bất cứ ai có nhu cầu cần học để cải thiện sức khỏe. Học viên thường là những nhân viên văn phòng, công chức suốt ngày bên bàn giấy. Cứ mỗi chiều là tôi lại thấy bác tận tâm dạy một ai đó, xong phận sự thì ra về, chăm chỉ như một con ong. Đôi khi không có ai học, bác ấy vẫn cứ chờ đợi, đến giờ lại về, như nhẫn nại thực hành bài học nào đó. Có những người sau khi bước qua lằn ranh sinh tử, họ đã hiểu ý nghĩa thật sự của cuộc đời chăng?
Nếu mai này không có Tao Đàn thì sao nhỉ? Như Hogwarts không có khu rừng tối vậy. Và những học sinh nhạc viện sẽ không thể vi vu tiếng sáo, ngân nga tiếng đàn của mình giữa thiên nhiên. Những tài xế xe ôm không biết ngả lưng vào đâu giữa đường đời khắc nghiệt. Những cụ già cũng sẽ bơ vơ buổi xế chiều không còn cùng nhau tập dân vũ. Còn tôi, thế giới mộng mơ hiếm hoi giữa cuộc sống xô bồ này để tôi có thể viết những câu nhạc, bài hát sẽ không còn. Liệu AI có mộng mơ thay tôi được không? Liệu AI có biết xoa dịu nỗi buồn của những con người đang nương náu mỗi ngày trong vòng tay của Tao Đàn, thay tụi nhỏ thổi sáo vi vu? Chắc chắn là không! Vì AI chỉ là công cụ để tiền chảy vào túi những ông chủ công nghệ.
Tôi đứng trong Tao Đàn ngước nhìn lên bầu trời, xuyên qua những tán cây cổ thụ. Những tia sáng mặt trời tán xạ thật lung linh huyền ảo. Chợt có tiếng sáo của cậu sinh viên nhạc viện vang xa, giai điệu tuyệt đẹp trong tổ khúc Peer Gynt của nhà soạn nhạc người Na Uy, Edvard Grieg. Khúc nhạc thiên đường mô tả khung cảnh mặt trời mọc trên sa mạc. Khi tôi đang mơ về một vườn địa đàng mang tên "trái đất" thì bất giác, hình ảnh những đứa trẻ vô tội người Palestine được đưa ra từ đống đổ nát chen ngang tâm trí tôi. Bên kia Tao Đàn, người đàn ông có dáng vẻ khắc khổ vẫn đang nhẫn nại dạy thái cực quyền cho một nhân viên văn phòng.